Một cuộc tranh luận nho nhỏ đã nổ ra trên mạng xã hội sau khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận có chỉ thị yêu cầu tăng cường thực hiện nghiêm túc nội dung hát Quốc ca trong lễ chào cờ.  |
Ảnh minh họa |
Người “lành tính” thì bảo chỉ thị này “quá được”, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc ngang ngược đưa dàn khoan vào vùng biển Việt Nam. Người khó liền đặt câu hỏi: Chẳng lẽ trước nay không hát Quốc ca?!
Nhưng cũng chỉ là tranh luận cho có vậy thôi, chứ ai mà chẳng công nhận rằng: Làm sao có thể nói là yêu nước khi đến bài Quốc ca còn chẳng nhớ, làm sao có thể tự hào dân tộc khi đứng trước quốc kỳ người ta lúng ba lúng búng chẳng tròn vành rõ chữ?
Nhớ hồi 2009, khi các cầu thủ da đen ngoại nhập Đinh Hoàng La và Đinh Hoàng Max trổ tài “nói tiếng lóng và hát quốc ca”, không ít người trong số chúng ta bỗng cảm giác các anh ấy “trắng trẻo và đẹp trai” hơn đó sao. Còn vào ngày khai trường tháng 9 năm ngoái, cảnh học sinh khiếm thính Xã Đàn hát Quốc ca bằng tay đã gây biết bao nhiêu xúc động, và cả tự hào thậm chí cho những người chẳng mấy khi có dịp hát “Đoàn quân Việt Nam đi…”.
Trong cuốn “Bài học Israel”, cụ Nguyễn Hiến Lê đã viết về dân tộc 2.000 năm bị xua đuổi, khinh miệt, ngược đãi, thậm chí bị tàn sát, nhưng những người Do Thái vẫn giáo dục cho những đứa trẻ của mình từ lời chào “Sang năm về Jerusalem”!
Tổ quốc là mái nhà ta vẫn ở. Đất nước là miếng cơm ta vẫn ăn. Và là Hoàng Sa, là Trường Sa.
Thứ lỗi cho ba Khi bài thơ đầu đời cho con, không thể bình yên!
Kẻ thù lăm le cướp biển nước mình
Đất nước bốn nghìn năm trên sóng.
Đừng quên: sau lời thề, lông ngỗng…
Giai nhân, huyết ngọc đổ bên trời.
Một ngày
Khi con nếm trên môi,
Con sẽ thấy máu mình vị mặn.
Bởi trong máu luôn có phần nước mắt
Ta hiểu căm thù, ta biết yêu thương.
Bài thơ đầu đời cho con, nhà thơ Đinh Vũ Hoàng Nguyên đã kể chuyện Hoàng Sa, Trường Sa, nơi những người lính thủy, nơi những ngư dân “Đang hóa thân thành hồng cầu/ để Trường Sa, Hoàng Sa/ Vẫn là thịt trong huyết hình Tổ quốc”.
Nhưng Quốc ca không phải chỉ để dành cho những đứa trẻ. Và ngay cả khi những đứa trẻ của chúng ta mỗi sớm mai hát vang lên rằng “Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước”, người lớn phải nói với chúng rằng: Tổ quốc là mái nhà ta vẫn ở. Đất nước là miếng cơm ta vẫn ăn. Và là Hoàng Sa, là Trường Sa.
Đào Tuấn
Ý kiến bạn đọc