Tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bản đồ Trung Quốc năm 1735, do một nhà bản đồ học người Pháp vẽ. Đáng chú ý, các vùng Tây Tạng, Tân Cương, Mãn Châu Lý, và tất nhiên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam không có trong tấm bản đồ này.  |
Thủ tướng Merkel bên tấm bản đồ tặng Chủ tịch Tập Cận Bình |
Những tấm bản đồ lịch sử là chủ đề nhạy cảm ở Trung Quốc. Học sinh Trung Quốc nào cũng dược dạy rằng Tây Tạng, Tân Cương, Đài Loan và cả đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) là "những bộ phận không thể tách rời của Trung Quốc từ thời cổ đại". Không ngạc nhiên, các phương tiện truyền thông Trung Quốc dường như không đánh giá cao món quà của bà Merkel. Tờ People's Daily đưa thông tin tỉ mỉ về chuyến công du Châu Âu của ông Tập Cận Bình, nhưng lờ đi sự kiện Thủ tướng Merkel tặng bản đồ.
Trong khi đó, Tân Hoa xã và nhiều phương tiện truyền thông khác của Trung Quốc có đưa tin về món quà, nhưng không in hình bản đồ của người Pháp, mà thay bằng bản đồ vẽ tay của nhà bản đồ học người Anh John Dower, với nhiều chi tiết có lợi cho Trung Quốc.
 |
Đây là tấm bản đồ vẽ lãnh thổ Trung Quốc thời Càn Long (1736 - 1795) do nhà bản đồ học người Pháp là Jean-Baptiste Bourguignon d'Anville vẽ, được 1 nhà xuất bản ở Đức xuất bản năm 1735 - Ảnh: TuoitreOnline |
Món quà của bà Merkel cũng xuất hiện với nhiều lời bình luận trên các mạng xã hội Trung Quốc.
Hao Qian, một phóng viên tài chính, nhận xét rằng "bản đồ là món quà vụng về".
Nhà văn Xiao Zheng chỉ trích bà Merkel cố tình "hợp pháp hóa phong trào đòi độc lập ở Tây Tạng và Tân Cương".
Một người khác viết: "Sao có thể thế được? Tây Tạng, Tân Cương, vùng Đông Bắc đâu cả rồi? Ông Tập Cận Bình đã phản ứng ra sao?". Trong khi đó, phó phát ngôn viên Chính phủ Đức, ông Georg Streiter, bác bỏ thông tin cho rằng, Thủ tướng Merkel muốn "ám chỉ" điều gì thông qua món quà này. Ông nhấn mạnh, Đức không bao giờ tặng ai món quà gì khiến họ bị tổn thương, đồng thời khẳng định tấm bản đồ nói trên thực sự rất có giá trị.
Ngọc Vân
Ý kiến bạn đọc